Chọn sàn gỗ tự nhiên hay công nghiệp?

Lắp sàn gỗ là lựa chọn của nhiều gia đình. Tuy nhiên, việc chọn loại sàn gỗ nào cho phù hợp thì không phải ai cũng biết.

Những năm gần đây, với tính thẩm mỹ cao, dễ dàng vệ sinh và mang đến cảm giác sang trọng, ấm áp, sàn gỗ trở thành loại vật liệu phổ biến trong các công trình nhà ở. Sàn gỗ hiện nay có 2 loại chính gồm gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp.

Bề mặt sàn gỗ tự nhiên thường có vân gỗ đẹp và bóng mịn. Ngoài ra, sàn gỗ tự nhiên cũng ít khi bị mối mọt tấn công và chống trầy xước, đặc biệt có khả năng cách điện và cách nhiệt tốt. Tuy nhiên, loại sàn này khá đắt đỏ.

Sàn gỗ công nghiệp được làm từ loại gỗ có 80% bột gỗ và 20% các chất phụ gia. Sàn gỗ công nghiệp có khả năng chống xước và có độ nhám nhiều hơn. Sàn gỗ công nghiệp có giá thành rẻ hơn sàn gỗ tự nhiên nhưng rất kỵ nước do được làm từ keo ép cùng bột gỗ. Nếu tiếp xúc với nước lâu, các tấm gỗ này sẽ bị phá hủy kết cấu và mất khuôn.

Ưu, nhược điểm của sàn gỗ tự nhiên

Sàn gỗ tự nhiên thường được làm từ loại gỗ có bề mặt cứng, chịu lực tốt, chống ma sát, mài mòn cao, sạch và mát. Loại sàn này còn có vân gỗ bóng đẹp, độ bền cao và mùi hương dễ chịu. Nhược điểm của sàn gỗ tự nhiên là dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của thời tiết, độ ẩm không khí. Sàn gỗ tự nhiên giữ màu không tốt, sau 2-3 năm phải đánh véc-ni để sàn bóng đẹp.

Ưu, nhược điểm của sàn gỗ công nghiệp

Sàn gỗ công nghiệp có ưu điểm là lắp đặt nhanh, có thể sử dụng ngay sau khi lắp đặt. Màu sắc của sàn gỗ công nghiệp hiện nay rất đa dạng, có nhiều kiểu vân gỗ. Loại sàn này khó trầy xước, mài mòn, bền màu. Bên cạnh đó, sàn gỗ công nghiệp không bị mối mọt, cong vênh, co ngót dưới tác động của thời tiết; chịu được nhiệt độ cao, hạn chế bén lửa, chống cháy đối với tàn thuốc lá; chống bám bẩn, vệ sinh dễ dàng.

Tuy nhiên, sàn gỗ công nghiệp có nhược điểm là không sử dụng được cho các công trình ngoài trời, độ bền sẽ bị ảnh hưởng khi sử dụng trong môi trường đọng và ngập nước. Sàn gỗ công nghiệp chỉ sử dụng cho công trình có độ phẳng nhất định, không thể uốn cong hay chạm trổ hoa văn.

 

Báo chí nói gì về Mianco